Bàng quang tăng hoạt có nguy hiểm không? Giải pháp là gì?
Bàng quang tăng hoạt là hội chứng không phải hiếm gặp trong xã hội ngày nay. Song, sự hiểu biết về tình trạng này còn hạn chế. Không ít người bệnh lo lắng về mức độ nguy hiểm của hội chứng và tìm kiếm giải pháp cải thiện. Để trả lời cho điều này, mời các độc giả theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?
Bàng quang tăng hoạt OAB là một chứng bệnh kết hợp các triệu chứng tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp, tiểu són, gây ra bởi tình trạng bàng quang bị kích thích một cách quá mức không theo sự kiểm soát của cơ thể.
Tình trạng này ngày càng phổ biến trong xã hội ngày nay. Một cuộc khảo sát cho thấy, cứ 6 người trưởng thành thì có 1 người mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt, kèm theo đó là những biểu hiện lâm sàng với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Chứng bệnh này xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó, người già là đối tượng có nguy cơ cao hơn. Mặt khác, từ những nghiên cứu cho thấy rằng, phụ nữ có nguy cơ mắc bàng quang tăng hoạt cao hơn nam giới 4 lần.
Do đó, đừng e ngại khi mình gặp phải tình trạng này. Hãy có động thái đi thăm khám sớm, tránh để chứng bệnh bàng quang tăng hoạt trở nên trầm trọng hơn.
>>> Hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?
Bàng quang tăng hoạt có nguy hiểm không?
Bàng quang tăng hoạt không nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, cũng như sức khỏe của người bệnh.
Cụ thể, chứng bệnh này tác động tiêu cực đến các khía cạnh:
Chất lượng cuộc sống
Bàng quang tăng hoạt làm giảm sự hòa nhập, khả năng lao động. Đồng thời, gây khó chịu, trở ngại trong sinh hoạt, học tập và công tác hàng ngày.
Khi mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt, hàng loạt chuỗi phiền hà sẽ đến với người bệnh. Họ sẽ phải đối mặt với các triệu chứng: tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm và có thể kèm theo tình trạng tiểu gấp không kiểm soát.
Thêm vào đó, các rắc rối khi bàng quang tăng hoạt khiến bệnh nhân cả ngày cứ ra ra vào vào nhà vệ sinh. Điều này làm gián đoạn công việc đang làm, khiến hiệu quả làm việc bị giảm sút. Chưa kể nếu người bệnh đang trong một cuộc họp hay cuộc gặp gỡ quan trọng nào đó mà tiểu tiện cứ chen ngang thì quả là không hay chút nào.
Ám ảnh hơn nữa là người bệnh kèm theo triệu chứng tiểu gấp. Nếu đặc thù công việc của bạn là di chuyển đường dài hoặc khoảng cách từ nơi làm việc đến nhà vệ sinh ở xa sẽ khiến bạn khó khăn trong việc kìm hãm nước tiểu, rất dễ gây són tại quần.
Ảnh hưởng tới kinh tế
Người bệnh mắc chứng bàng quang tăng hoạt thường phải chi trả nhiều khoản phí phát sinh. Chẳng hạn, tiền mua thuốc trong suốt liệu trình điều trị, tiền mua tã, bỉm để đóng khi phải di chuyển đường dài mỗi khi mắc tiểu.
Do đó, bàng quang tăng hoạt khá tốn kém, ảnh hưởng không nhỏ tới tài chính người bệnh.
Ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh
Chứng bàng quang hoạt động quá mức có thể ảnh hưởng tới tâm lý, đặc biệt là ở người bệnh trẻ tuổi. Họ liên tục phải đối mặt với một chuỗi phiền phức khi bàng quang bị kích thích một cách thường xuyên: buồn tiểu nhiều lần, công việc thường xuyên bị gián đoạn, đặc biệt là trong những tình huống quan trọng sẽ khiến họ cảm thấy xấu hổ và không biết phải giải quyết ra sao.
Chưa hết, sự kích thích quá mức của bàng quang khiến người bệnh phải đi tiểu gấp, nếu không kịp, có thể bị tiểu són.
Đây chính là vấn đề tế nhị mà người bệnh ngại chia sẻ với người khác. Dần dần, xuất hiện cảm giác xấu hổ, bệnh nhân có xu hướng thu mình hơn, ngại giao tiếp và ngại chỗ đông người. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra các vấn đề tâm lý như trầm cảm.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Bàng quang tăng hoạt không chỉ dừng lại ở việc tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, mà còn ảnh hưởng lên sức khỏe một cách rõ rệt.
Người bệnh dễ bị mất ngủ
Việc phải thức dậy nhiều lần để đi tiểu ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ. Bệnh nhân trằn trọc, thức giấc giữa đêm bởi triệu chứng tiểu đêm. Khi đó, ngủ không ngon giấc, người bệnh sẽ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, kém tập trung và nặng hơn là rối loạn giấc ngủ.
Chưa hết, người già mắc chứng bàng quang tăng hoạt thường phải thức giấc giữa đêm để đi tiểu, thì rất dễ trượt ngã, nặng nề là gãy xương. Từ đó, để lại hệ lụy rất lớn cho sức khỏe tuổi già.
Suy giảm sinh lý ở nam giới
Đối với nam giới, bàng quang tăng hoạt gây ảnh hưởng đến sinh lý cơ thể, gây ra các rối loạn sinh dục và giảm ham muốn tình dục.
Hệ lụy khi bàng quang tăng hoạt xuất hiện biến chứng
Nếu không tầm soát tình trạng bàng quang tăng hoạt sớm hoặc để bệnh kéo dài, không điều trị thì người bệnh đối mặt với một số hệ lụy do biến chứng của bàng quang tăng hoạt:
Tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch
Tình trạng này thường là hậu quả của tình trạng mất ngủ thường xuyên, dai dẳng, làm rối loạn giấc ngủ. Từ đó, gia tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu não và các bệnh tim mạch ở người già.
Nguy cơ hình thành sỏi đường tiết niệu
Do mắc chứng đi tiểu nhiều lần nên một số người đã tự cải thiện bằng cách uống rất ít nước. Việc không bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, sẽ khiến nước tiểu bị cô đặc. Từ đó, dẫn đến nguy cơ cao hình thành sỏi tiết niệu và gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ngoài ra, nhịn tiểu quá lâu cũng là một yếu tố gây cô đặc nước tiểu, tăng nguy cơ hình thành sỏi bàng quang, không những thế việc này còn có nguy cơ gây bí tiểu thứ phát.
Có thể kiểm soát bàng quang tăng hoạt không?
Bàng quang hoạt động quá mức hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu phát hiện sớm. Tùy theo mức độ người bệnh gặp phải, mà bác sĩ sẽ hướng dẫn và chỉ định các liệu pháp tương ứng.
Sau khi thực hiện các phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, hiệu quả trên lâm sàng cũng khá cao. Hầu hết người bệnh nhận thấy chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện đáng kể.
Giải pháp hạn chế sự nguy hiểm của bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt không đe dọa đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị có thể gây ra các vấn đề về tâm lý, rối loạn giấc ngủ…cho người bệnh. Do đó, để giảm thiểu được những nguy hiểm của tình trạng này, người bệnh cần thực hiện một số cách sau:
Thực hiện bài tập cơ bàng quang
Tập luyện cơ bàng quang là phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt không dùng đến thuốc. Chúng bao gồm các bài tập:
Kiểm soát số lần đi tiểu
Người bệnh không nên vội vã vào nhà vệ sinh mỗi khi bàng quang kích thích gây mắc tiểu. Hãy kiểm soát tần suất đi tiểu bằng cách:
- Ngồi xuống, hít thở sâu và thư giãn.
- Làm xao nhãng cảm giác muốn tiểu: chẳng hạn như tập trung cao độ cho công việc…
- Chủ động co thắt cơ đáy chậu: để ngăn chặn sự co thắt trong niệu đạo, tránh nước tiểu đi xuống đầu niệu đạo làm kích thích cơ chóp bàng quang.
Tập theo phương pháp Kegel
Kegel là phương pháp tập luyện làm tăng trương lực và sức co bóp cơ đáy chậu. Dụng cụ đi kèm được làm bằng ống nhựa có bong bóng cao su đặt trong âm đạo, nối với cột đo áp lực nước. Về sau, với sự tiến bộ của kỹ thuật, nhiều dụng cụ mới được phát triển trên cơ sở công cụ này.
Ngoài ra, người bệnh có thể tập không cần thiết bị, mà thông qua ngón tay của điều dưỡng vật lý trị liệu đặt trong âm đạo nữ hoặc hậu môn nam.
Dùng máy tập cơ sàn chậu
Các loại máy hiện nay thường kết hợp với dụng cụ kích điện có điện cực trong âm đạo nữ hay trong hậu môn nam. Kích thích điện sẽ làm co thắt thụ động cơ sàn chậu (gồm cả cơ thắt niệu đạo và cơ thắt hậu môn), vừa làm gia tăng sức cơ, vừa làm cho bệnh nhân cảm nhận được vị trí của cơ thắt.
Một điện cực khác được dán lên bụng để lưu ý bệnh nhân không được gồng bụng mỗi khi tập co thắt cơ sàn chậu. Kết hợp với tập cơ sàn chậu mà sức cơ sẽ hiện lên màn hình để bệnh theo dõi và đánh giá được hiệu quả của tập luyện (cơ chế phản hồi sinh học biofeedback). Tần suất tập là từ mỗi ngày một lần đến mỗi tuần một lần, mỗi lần khoảng 20 phút kích thích điện và khoảng 20 phút tập co thắt cơ đáy chậu.
Thay đổi lối sống
Loại bỏ các thói quen xấu cũng là cách thức hữu hiệu để hạn chế triệu chứng của bàng quang tăng hoạt. Cụ thể:
- Ngừng hút thuốc: Hút thuốc lá làm kích thích cơ bàng quang và gây ra những cơn ho. Điều này có thể gây rò rỉ nước tiểu.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hạn chế sử dụng một số thực phẩm và đồ uống có tính lợi tiểu hoặc kích thích bàng quang, chẳng hạn: cafein, rượu, đồ uống có đường, thức ăn cay, nóng… Xem chi tiết: Bàng quang tăng hoạt nên ăn gì?
Kiểm soát lượng nước tiêu thụ
Uống nước quá nhiều hay quá ít đều ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang. Cụ thể, nạp vào lượng lớn nước làm sản sinh nhiều nước tiểu, dẫn đến tình trạng tiểu nhiều. Ngược lại, khi uống quá ít gây tăng nồng độ nước tiểu. Từ đó, làm kích thích niêm mạc bàng quang, xuất hiện triệu chứng tiểu gấp và tạo điều kiện thuận lợi gây nhiễm trùng tiết niệu.
Vì vậy, lượng nước uống cần thiết hàng ngày trung bình khoảng 1.500 ml hay 30ml/kg thể trọng sẽ giúp cải thiện tốt tình trạng bàng quang tăng hoạt, vừa giúp làm dịu cơn khát.
Tránh tình trạng táo bón
Táo bón có thể gây áp lực lên bàng quang và tác động tiêu cực đến chức năng bàng quang. Để tránh được tình trạng này, người bệnh không nên nhịn đại tiện. Đồng thời tăng lượng chất xơ mỗi ngày từ các thực phẩm như: đậu, bột yến mạch, ngũ cốc nguyên cám, bánh mì nguyên cám, trái cây tươi và rau quả. Có thể tạo thói quen uống nước hoa quả ép vào mỗi buổi sáng.
Duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân có thể gây thêm áp lực lên bàng quang, làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt. Nhiều nghiên cứu chứng minh, chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể, có thể làm giảm tình trạng gây ra bởi bàng quang hoạt động quá mức.
Tuân thủ điều trị thuốc
Sử dụng thuốc trong điều trị bàng quang tăng hoạt cũng mang lại hiệu quả tốt. Một số nhóm thuốc được dùng cho bệnh nhân mắc chứng OAB gồm:
- Thuốc kháng cholinergic (antimuscarinics): Kiểm soát co thắt cơ trong bàng quang, tăng sức chứa nước tiểu cho bàng quang. Một số thuốc thuộc nhóm này gồm: oxybutynin, tolterodine và darifenacin, trospium, propiverine hoặc solifenacin.
- Thuốc adrenergic beta-3 (chất chủ vận beta-3): Đại diện là thuốc Mirabegron (Myrbetriq), hoạt động bằng cách giúp cơ bàng quang thư giãn.
Sử dụng thuốc nhằm cải thiện các triệu chứng bàng quang tăng hoạt trong một số trường hợp. Mức độ hiệu quả khác nhau ở mỗi người.
Chú ý: Người bệnh không được tự ý mua thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt. Việc dùng thuốc đều phải tuân thủ sát sao theo chỉ dẫn từ bác sĩ.
Bàng quang tăng hạt có nguy hiểm không? Câu trả lời là không. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài không được điều trị sớm thì dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người bệnh.