Đi tiểu đêm nhiều mất ngủ: Cách khắc phục hiệu quả
Đi tiểu đêm nhiều lần mất ngủ, khiến bạn vô cùng khó chịu, mệt mỏi vào sáng ngày hôm sau. Thậm chí tình trạng này kéo dài ở nhiều người còn gây mất ngủ liên tục. Vậy nguyên nhân gây đi tiểu đêm mất ngủ là gì? Có nguy hiểm không? Cách khắc phục như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Đi tiểu đêm mất ngủ là gì?
Trong khi ngủ cơ thể sản xuất ít nước tiểu hơn và cô đặc hơn. Vì vậy mà người khỏe mạnh ngủ từ 6-8 tiếng trong một đêm không cần phải thức dậy để đi tiểu. Tuy nhiên do một nguyên nhân nào đó, bạn phải đi vệ sinh ít nhất 1 lần trong đêm. Tiểu đêm xảy ra liên tục, kéo dài có thể làm gián đoạn giấc ngủ gây mất ngủ. Tình trạng này được gọi là đi tiểu đêm mất ngủ.
Khoảng 1/3 người lớn trên 30 tuổi gặp tình trạng đi tiểu đêm. Tỷ lệ tăng theo độ tuổi và thường đi kèm với chứng mất ngủ. Đi tiểu đêm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người già.
Dấu hiệu nhận biết đi tiểu đêm mất ngủ?
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra mà đi tiểu đêm có những đặc điểm riêng. Bạn có thể bắt gặp các triệu chứng như:
- Thức dậy nhiều hơn 1 lần mỗi đêm để đi vệ sinh.
- Lượng nước tiểu nhiều hơn khiến bạn phải đi vệ sinh nhiều lần vào ban ngày và cả đêm hoặc có những người chỉ vào ban đêm.
- Do phải thức giấc nên có thể mệt mỏi, buồn ngủ, mất khả năng tập trung và giảm năng suất làm việc vào sáng ngày hôm sau.
- Một số người có thể gặp các triệu chứng tắc nghẽn như dòng chảy nước tiểu kém, ngập ngừng, ngắt quãng…
Nguyên nhân gây đi tiểu đêm mất ngủ là gì?
Đi tiểu đêm là tình trạng mà mọi người thường cho là do tuổi già, điều này không đúng hoàn toàn vì còn có nhiều nguyên nhân khác như uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ, sử dụng thuốc, mắc bệnh lý…
Uống nhiều nước trước khi đi ngủ
Nhu cầu đi tiểu vào ban đêm có thể bị ảnh hưởng lớn bởi chế độ ăn uống. Chỉ cần dùng quá nhiều nước trước khi đi ngủ cũng khiến bạn phải đi vệ sinh lúc nửa đêm. Đặc biệt là uống rượu và caffein, cả hai chất này có tính lợi tiểu kích thích sản xuất nước tiểu gấp nhiều lần so với bình thường.
Chế độ ăn quá nhiều muối cũng có thể khiến bạn đi tiểu đêm. Muối làm tăng khả năng giữ nước, làm chất lỏng chỉ có thể tiết ra vào ban đêm khi bàng quang đã đầy. Ngoài ra, bữa ăn quá ít chất xơ gây táo bón cũng là một trong những nguyên nhân gây đi tiểu đêm. Phân bị tích tụ khiến ruột căng lên kích thích bàng quang đi tiểu liên tục.
Tuổi tác
Tuổi già có quan hệ mật thiết với đi tiểu đêm mất ngủ. Phần lớn các trường hợp mắc tình trạng này xảy ra ở người trên 60 tuổi. Nguyên nhân chính là do suy giảm chức năng thận ở người cao tuổi dẫn đến lượng nước tiểu được sản sinh nhiều hơn trong khi ngủ.
Sử dụng một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ đi tiểu về đêm như thuốc lợi tiểu, glycoside tim, demeclocycline, lithium, methoxyflurane, phenytoin, propoxyphen và liều lượng cao vitamin D.
Có 3 cơ chế chính dẫn đến điều này gồm:
- Tăng sản sinh nước tiểu.
- Thúc đẩy giải phóng acetycholine gây ra các cơn co thắt bàng quang, nên làm tăng nhu cầu đi tiểu.
- Giảm sản sinh norepinephrine làm giãn các cơ bàng quang.
Bệnh tiểu đường
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường là đa niệu, đi tiểu nhiều, đặc biệt là thường xuyên vào ban đêm. Lượng đường trong máu cao thúc đẩy cơ thể phải đào thải chất này ra thông qua đường niệu dẫn đến việc sản sinh lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường.
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là cơ quan nằm ngay bên dưới bàng quang. Vì vậy, khi bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng tới chức năng tiểu tiện như đi tiểu nhiều vào ban đêm, dòng chảy nước tiểu bị yếu hoặc chậm, muốn đi tiểu đột ngột, đau khi đi tiểu hoặc khi xuất tinh…
Tuyến tiền liệt có nguy cơ bị phì đại khi tuổi tác tăng lên. Ở người trên 60 tuổi có đến 50% xuất hiện một số triệu chứng của bệnh. Còn đến tuổi 85 thì 90% nam giới gặp hầu hết các biểu hiện của tăng sản tuyến tiền liệt.
Bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang bị kích thích quá mức mà cơ thể không thể kiểm soát được. Chứng bệnh này ngày càng trở nên phổ biến, cứ 6 người thì có 1 người mắc phải. Phụ nữ có nguy cơ cao gấp 4 lần so với nam giới.
Dấu hiệu để nhận biết bàng quang tăng hoạt như:
- Ddi tiểu nhiều lần, nhu cầu đi tiểu tăng vào ban đêm.
- Tiểu không kiểm soát, tiểu són, tiểu gấp…
Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân phổ biến ở trên, đi tiểu đêm mất ngủ còn có thể do một số bệnh lý dưới đây:
- Rối loạn giấc ngủ làm bạn thức giấc vào ban đêm để đi tiểu.
- Viêm bàng quang, nhiễm trùng bàng quang hay đường tiết niệu khiến cơ quan này bị tổn thương, dễ bị kích thích làm tăng nhu cầu đi tiểu.
- Tăng huyết áp và chứng khó thở khi ngủ gây áp lực lên tim và kích thích giải phóng peptide natri lợi tiểu khiến bạn đi vệ sinh nhiều.
Đi tiểu đêm mất ngủ có nguy hiểm không?
Việc phải tỉnh dậy giữa đêm vô cùng phiền toái bởi làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Khi ngủ không ngon giấc sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, khiến cơ thể mệt mỏi, trở lên gắt gỏng và làm việc kém hiệu quả hơn vào buổi sáng ngày hôm sau.
Đặc biệt là người già, khi phải thức dậy giữa đêm rất dễ bị trượt ngã, do mật độ xương thấp nên nguy cơ gãy xương rất cao.
Nguyên nhân đi tiểu đêm mất ngủ do bệnh lý, nếu không được điều trị có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như:
- Tiểu đường: Tổn thương mắt, tăng huyết áp, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch… Nhất là bệnh thần kinh ngoại biên ảnh hưởng tới chân và bàn chân, có nhiều trường hợp bị loét phải cắt cụt chi và khớp.
- Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính: Khó khăn trong việc đi tiểu, nếu nặng phải tiến hành phẫu thuật.
Cách khắc phục tình trạng đi tiểu đêm mất ngủ?
Mục tiêu điều trị đi tiểu đêm mất ngủ là vào nguyên nhân gây ra bệnh. Chúng bao gồm từ việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, thực hiện các bài tập thư giãn giúp ngủ ngon hay đến việc sử dụng thuốc không kê đơn và kê đơn.
Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt
Cách đơn giản nhất mà bạn cần thực hiện để dễ dàng giảm chứng đi tiểu đêm mất ngủ là thay đổi những thói quen xấu và xây dựng những hoạt động tốt trong chế độ ăn uống và sinh hoạt:
- Giảm lượng nước uống buổi tối, nhất là cà phê, đồ uống chứa caffein, rượu, bia…
- Ngủ trưa đủ giấc, không quá dài để khó ngủ ban đêm.
- Sử dụng thuốc đúng cách: hỏi ý kiến bác sĩ có thể uống từ giữa đến cuối buổi chiều, sáu giờ trước khi đi ngủ hay không.
- Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe tổng quát, ngăn ngừa bệnh tật.
- Tập thể dục thường xuyên giúp phát triển các cơ nói chung và cơ sàn chậu nói riêng.
☛ Đọc thêm: Món ăn chữa tiểu đêm
Các bài tập thư giãn để giúp ngủ ngon
Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng lớn tới tình trạng đi tiểu đêm. Nếu duy trì được giấc ngủ sâu, bạn sẽ không sợ phải tỉnh giấc để đi tiểu. Do đó các bài tập thư giãn giúp ngủ ngon là vô cùng quan trọng.
Bài tập dễ và cơ bản nhất bạn có thể thực hiện tại nhà là hít thở chậm và sâu bằng cơ hoành. Các bước cụ thể như sau:
- Trong khi nằm trên giường, bạn hãy đặt một tay lên ngực và tay kia ở trên bụng, ngay dưới khung xương sườn. Điều này giúp bạn cảm nhận có thở bằng cơ hoành hay không.
- Hít vào bằng mũi: bạn điều chỉnh sao cho tay để dưới bụng được nâng lên trong khi đó tay trên ngực cần được giữ yên càng nhiều càng tốt.
- Siết chặt cơ bụng, thở ra.
Bài tập này có thể mất một khoảng thời gian để giúp bạn quen với việc sử dụng cơ hoành. Ban đầu hãy duy trì vài phút, sau đó có thể tăng dần thời gian khi đã thuần thục hơn.
Rèn luyện cơ bàng quang
Một trong những biện pháp được các bác sĩ khuyến cáo thực hiện là rèn luyện cơ bàng quang bằng bài tập kegel để kiểm soát tốt số lần đi tiểu.
- Đầu tiên cần xác định nhóm cơ sàn chậu bằng cách suy nghĩ là bạn đang đi tiểu sau đó cần ngừng ngay lập tức, cảm nhận các cơ thực hiện chức năng này.
- Khi đã xác định được nhóm cơ, siết chúng trong 3 giây, sau đó thả lỏng trong 3 giây. Luân phiên như vậy trong vài phút. Cần đảm bảo không siết chặt các cơ khác không liên quan như cơ đùi, cơ thắt dạ dày.
Bên cạnh đó, bạn cần học cách đi tiểu đúng giờ, khoảng cách giữa các lần đi tiểu từ 3 – 4 giờ, không nên đi tiểu khi chưa đến thời gian quy định để cải thiện tình trạng đi tiểu đêm.
>>> TOP 7 bài tập chữa bàng quang tăng hoạt
Khắc phục các bệnh lý
Nếu nguyên nhân gây đi tiểu mất ngủ là do các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính thì cần phải điều trị dứt điểm. Khi đó tự khắc tình trạng đi tiểu đêm sẽ được cải thiện.
Sử dụng thuốc
Một số thuốc có thể được sử dụng để cải thiện chứng đi tiểu đêm mất ngủ như:
- Thuốc kháng cholinergic như oxybutynin, tolterodine và darifenacin, solifenacin, trospium, propiverine… giúp làm giảm các triệu chứng của bàng quang hoạt động quá mức.
- Bumetanide, furosemide: thuốc lợi tiểu hỗ trợ điều hòa sản xuất nước tiểu.
- Desmopressin giúp thận sản xuất ít nước tiểu hơn.
- Vương Niệu Đan là sản phẩm được sản xuất từ thảo dược tự nhiên, được nhiều người sử dụng và đánh giá cao trong việc hỗ trợ làm giảm chứng đi tiểu đêm gây mất ngủ.
Cần chú ý rằng, khi sử dụng bất cứ thuốc gì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ có thể xảy ra và hiệu quả điều trị tốt nhất.
Đi tiểu đêm nhiều lần mất ngủ được coi là “dấu hiệu của tuổi tác” tuy nhiên bạn tuyệt đối không được bỏ qua khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, nhất là ở những người trẻ tuổi. Vì vậy, nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và có phương pháp điều trị đúng đắn.